Breaking News

BASIC SKINCARE STEPS

Xin chào các bạn!

Gần đây trang của mình có thêm một lượng lớn các bạn đọc chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc da. Mình nhận thấy điều này bởi rất nhiều bạn inbox mình hỏi những câu rất cơ bản như "có cần thiết phải dùng nước hoa hồng không", "da dầu có phải bôi kem dưỡng ẩm không", "tẩy trang bằng nước có sạch không", "khi nào thì phải dùng kem dưỡng mắt"... Hơn 1 năm qua mình đã viết rất nhiều bài về skincare, có nói đi nói lại vai trò của từng bước dưỡng da trong các bài review sản phẩm cụ thể nhưng có lẽ chưa có 1 bài viết nào tổng hợp về skincare cho những ngưới mới bắt đầu. Vậy nên bài viết cuối cùng trong năm Giáp Ngọ hãy dành cho "Basic Skincare Steps" -  các bước chăm sóc da cơ bản nhất nhé! 



Bài viết này sẽ khác tất cả các bài viết trước đây của mình ở chỗ nó sẽ được trình bày dưới dạng "Hỏi & Đáp" (Q&A). Mình sẽ chọn lọc & sắp xếp các câu hỏi về chăm sóc da (skincare) cơ bản được nhiều người quan tâm nhất và sẽ giải đáp các câu hỏi đó nhé!

1. Độ tuổi nào thì bắt đầu phải chăm sóc da bằng mỹ phẩm?
Trả lời : Mình nghĩ là khi bắt đầu tuổi dậy thì (tầm 13,14 tuổi) đã nên chăm sóc da đủ các bước cơ bản rồi vì nếu ở độ tuổi này không có kiến thức về chăm sóc da thì sẽ ảnh hưởng đến sau này rất rất nhiều, khiến các bạn càng khó điều trị, nhất là các vấn đề về mụn, vết thâm, lỗ chân lông lớn... Ở độ tuổi này nếu phụ huynh của các bạn là người không có kiến thức về chăm sóc da để hướng dẫn con mà thay vào đó là truyền tư tưởng "bôi mỹ phẩm làm gì sớm cho hại da, cứ để tự nhiên mới là đẹp abc" thì đương nhiên các bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi điều đó! Có những bạn vốn dĩ ở tuổi dậy thì rất ít mụn nhưng điều đó không có nghĩa là bạn không phải chăm sóc. Đừng để đến khi mà da đã bị tổn thương mới nghĩ đến bôi gì, dùng gì để chữa trị. "Phòng" luôn quan trọng hơn "chữa".

2. Tại sao lại phải chăm sóc da?
Trả lời : "Tại sao bạn lại muốn đẹp?", muốn đẹp thì đương nhiên phải bỏ công ra chăm sóc. Với phụ nữ thì "nhất dáng nhì da" nhưng mình xin thề nhìn dáng có đẹp mấy mà da xấu thì vẫn chẳng thể tự tin đâu ạ! Chăm sóc da cũng như chăm sóc cơ thể phải được làm thường xuyên và đều đặn, cũng giống như chăm một cái cây cho nó xanh tốt, tươi lâu đều phải đầu tư, phải bỏ công sức. Mình nghĩ đầu tư cho bản thân mình mà trước hết là sức khỏe (chăm sóc da chính là chăm sóc sức khỏe ý chứ) vô cùng chính đáng. Không khỏe bạn làm việc gì cũng khó hơn. Mà khỏe thì mới đẹp được ạ!

3. Da mặt có cấu tạo như thế nào?


Trả lời : Hiểu cơ bản nhất thì da mặt có cấu tạo 3 tầng : thượng bì - trung bì - hạ bì
+ Tầng thượng bì (còn gọi là biểu bì) : là tầng trên cùng của da, có độ dày mỏng nhất trong 3 tầng. Tầng thượng bì lại chia làm 4 lớp, đó là
  • Lớp sừng : là nơi tập trung nhiều tế bào chết được tạo thành từ các tế bào biểu bì bên dưới và được thay thế liên tục. Lớp sừng có vai trò che chở cho các tế bào sống bên trong. Lớp sừng chứa các nhân tố giữ ẩm tự nhiên (NMFs - Natural Moisturizing Factors) giúp da giữ được độ ẩm mềm mại nhưng do tác động của khí hậu quá khô, quá nóng, cơ thể không sản xuất kịp NMF do đó da sẽ bị khô bong tróc ---> phải dùng kem dưỡng ẩm đều đặn vì khi độ tuổi ngày càng tăng, khả năng tự sản xuất NMFs cũng không còn như ban đầu.
  • Lớp tế bào hạt
  • Lớp tế bào gai
  • Lớp tế bào đáy
+ Tầng trung bì : là tầng nằm sát tầng thượng bì, có nhiệm vụ nâng đỡ và nuôi dưỡng da. Đây là vùng có các dây thần kinh, mạch máu, nang lông, tuyến bã nhờn, tuyến mồ hôi. Tầng này có chứa các sợi Collagen & Elastin định hình cấu trúc da, tạo tính đàn hồi & độ săn chắc cho da.
+ Tầng hạ bì : có chứa nước, các mô liên kết và mô mỡ. Lớp hạ bì đóng vai trò là lớp đệm giữa da và cơ thể.  

4. Có bao nhiêu loại da?
Trả lời : Có 5 loại da chính : da thường, da hỗn hợp, da khô, da dầu, da nhạy cảm. Mình đã viết bài về cách phân biệt các loại da, các bạn có thể đọc lại nhé! (Bấm vào hình dưới để tới bài Skin Types)


5. Các bước chăm sóc da cơ bản nhất hằng ngày là gì?
Trả lời : Đó là làm sạch - cân bằng - dưỡng ẩm (dưỡng mắt & dưỡng da mặt) - chống nắng (cho ban ngày)

6. Làm sạch da như thế nào là đủ?
Trả lời : Làm sạch da là bước rất quan trọng bỏi nếu da không sạch thực sự thì sẽ sinh ra rất nhiều vấn đề da như mụn, mụn ẩn, lỗ chân lông lớn... Chính vì vậy  phải vệ sinh da mỗi ngày kĩ lưỡng để da được sạch nhất. Đừng nghĩ làm sạch ở đây là "bào mòn" da bởi nó chỉ đơn giản là lấy đi bụi bẩn, bã nhờn, dầu thừa, lớp makeup, lớp kem chống nắng trên bề mặt da - lớp sừng của tầng thượng bì thôi. Các bước làm sạch da cơ bản là :
  • Tẩy trang : luôn tẩy trang sớm nhất có thể khi không còn cần lớp KCN hay lớp makeup nữa
  • Sữa rửa mặt : 2 lần/ngày (sáng và tối). Thời gian rửa mặt hợp lí là 2 phút. Có thể sử dụng thêm công cụ rửa mặt như cọ rửa mặt, mút rửa mặt, máy rửa mặt...
  • Tẩy da chết vật lí : 1 lần/tuần sau bước SRM. Không nên TDC vào buổi sáng vì sẽ khiến da dễ bắt nắng hơn ngay sau đó. 
7. Có thể bỏ qua bước cân bằng da (nước hoa hồng) không?
Trả lời : Đương nhiên là không. Nếu sau bước SRM không dùng toner (nước hoa hồng) thì da sẽ không được cân bằng độ pH để chuẩn bị cho các bước dưỡng tiếp theo. Có nhiều bạn tùy ý bỏ nước hoa hồng mà không hề biết rằng thật ra nước hoa hồng quan trọng như thế nào, nó còn có tác dụng làm sạch, làm mềm da nữa! Hãy đơn giản hiểu rằng bạn không thể nhảy từ bờ bên này sang bờ bên kia của một con sông, bạn nhất định phải đi qua cầu (hoặc đi thuyền), tóm lại là phải bằng một vật gì đó thì mới tới nơi an toàn. Nước hoa hồng chính là vật đó! Minh họa hay vãi =)))) 


8. Da dầu cũng phải dưỡng ẩm ư?
Trả lời : Đúng vậy! Thường nhiều người nghĩ khái niệm "dưỡng ẩm" dành cho da khô, da thường còn da dầu thì thừa độ ẩm rồi cần gì phải dưỡng nữa. Nhưng thật ra dầu không phải độ ẩm, dầu là do tuyến bã nhờn sản xuất ra một cách tự nhiên hoặc do liên quan đến nội tiết lượng dầu vượt quá mức cần thiết, tràn qua lỗ chân lông lên bề mặt, khiến da bóng nhờn, ẩm ẩm, nhớt nhớt khó chịu. Một nguyên nhân nữa khiến da tiết nhiều dầu hơn đó là chính thiếu nước. Nước trên da là nước liên kết chứ không phải nước để rửa mặt. Dạng nước liên kết này được bổ sung cho da qua các sản phẩm mỹ phẩm mà bạn dùng như toner hay kem dưỡng, xịt khoáng. Nếu các bạn không sử dụng một sản phẩm dưỡng ẩm thì bề mặt da sẽ không có lớp khóa bên ngoài, do vậy các bước trước bạn làm sẽ bị thất thoát. Vậy nên da gì cũng phải dùng dưỡng ẩm, còn loại dưỡng ẩm nào thì đương nhiên là mỗi loại da sẽ phù hợp với một loại khác nhau.

9. Nên lựa chọn dưỡng ẩm như thế nào?
Trả lời : Tùy từng loại da sẽ có những tiêu chí chọn sản phẩm dưỡng ẩm phù hợp. Mình có một vài gợi ý như sau :
  • Da dầu, da hỗn hợp thiên dầu nên chọn dưỡng ẩm dạng gel hoặc dạng sữa (emulsion/lotion) ban ngày cấp nước để cân bằng lượng dầu - nước trên da, mỏng nhẹ và vẫn khóa được độ ẩm trên da lại. Các bạn nên chọn các dòng sản phẩm dành cho da dầu, da hỗn hợp để được hiệu quả tốt nhất nhé! Còn ban đêm thì không nhất thiết phải dùng sản phẩm dưỡng của đúng da dầu/da hỗn hợp, có thể chọn loại "cho mọi loại da" (all skin types) là OK. Ban ngày kiềm dầu rồi thì ban đêm không nên kiềm nữa kẻo đến lúc nó lại "bùng cháy" đó!
  • Da thường, da khô, hỗn hợp thiên khô nên chọn dạng kem hoặc dạng gel cũng được. Có những loại gel mà dùng rất thích, phù hợp với mọi loại da (không phải mấy cái như gel lô hội đâu ạ, vì quan điểm của mình là những cái có quá nhiều công dụng trong một thì không có tác dụng nổi trội hết đâu). Các bạn cứ chọn đúng dòng sản phẩm cho loại da của mình cả ngày và đêm là ổn. 
  • Da nhạy cảm sẽ hơi khó chọn đồ dưỡng da vì khả năng bị kích ứng với một số thành phần trong mỹ phẩm. Mình khuyên các bạn da nhạy cảm nên chọn những sản phẩm không chứa cồn, chất tạo màu, chất tạo mùi, chất bảo quản và thuộc những dòng cho Sensitive Skin của các hãng mỹ phẩm. Ngoài ra các bạn có thể lựa chọn các loại mỹ phẩm handmade, hữu cơ 70- 100%, nhưng hãy đảm bảo được nhãn hàng đó uy tín, có nguồn gốc nha!
  • Ban ngày và ban đêm có thể dùng chung một loại dưỡng da cũng được (miễn là không có thành phần chống nắng), nhưng dùng riêng sẽ tốt hơn vì khả năng hấp thụ của da vào từng thời điểm trong ngày cũng khác. Ban ngày chúng ta có xu hướng thích kem dưỡng mỏng, nhẹ, không bóng để còn makeup còn ban đêm thì dù kem có dày hơi hơi bóng thì cũng không vấn đề gì. Nên skincare buổi tối trước 22h nhé vì 22h-2h sáng là thời điểm da hấp thụ tốt nhất!
  • Nếu ban ngày đã sử dụng kem dưỡng có chỉ số chống nắng thích hợp (xem tiếp câu 11) thì không cần thiết phải dùng KCN riêng nữa nha!

10. Chỉ ở trong nhà, văn phòng suốt ban ngày vậy có bắt buộc dùng kem chống nắng không?
Trả lời : Lời khuyên chân thành của mình đó là nên dùng KCN bất kể mùa gì, bất kể trời có nắng hay không và việc này nên trở thành thói quen. Trong trường hợp công việc của bạn không phải thường xuyên tiếp xúc với màn hình máy tính, cũng không phải ngoài trời, ở trong một nơi kín mít kể cả cửa kính cũng rất ít thì bạn hoàn toàn có thể không dùng kem chống nắng ban ngày. Các bạn nên hình dung rằng nếu chỉ là 3 bước SRM - toner - kem dưỡng (không có chỉ số chống nắng) thì da bạn sẽ không có sản phẩm nào mang tính bảo vệ da cả. Các tia UV không thể quan sát được bằng mắt thường nhưng lại luôn tác động đến da của con người. Kể cả trời có nắng hay không thì vẫn có tia UV chiếu xuống bề mặt trái đất. Không chỉ khiến da bị đen sạm đi, nó còn khiến tốc độ lão hóa tăng rất nhanh, bên cạnh đó một số tính chất da nhạy cảm có thể bị hình thành nám, tàn nhang khá sớm. 


11. Cần lưu ý gì khi chọn kem chống nắng?
Trả lời : KCN có 2 loại chính :
  • Sunblock (KCN vật lí) : hoạt động như một lớp màng chắn trên da, khi các tia đi đến sẽ bị phản lại. Loại này phù hợp với da nhạy cảm hơn. Sunblock thường được ưa chuộng ở Hàn Quốc, Nhật Bản.
  • Sunscreen (KCN hóa học) : hoạt động như một lớp màng chứa các chất hóa học, có tác dụng lọc tia khi nó đến da. Vì chứa nhiều chất hóa học vô hiệu hóa UV nên đôi khi có thể gây kích ứng đến những ai có làn da nhạy cảm. Sunscreen thường được ưa chuộng ở Âu Mỹ hơn.
  • Hiện còn có những loại KCN là kết hợp giữa sunblock và sunscreen. 
- Chú ý các chỉ số khi chọn KCN : tùy như cầu sử dụng, thời gian tiếp xúc với nắng mà lựa các chỉ số phù hợp, trong đó có
  • SPF : biểu thị khả năng chống tia UVB (tia có bước sóng ngắn hơn, tác động đến tầng thượng bì) - tia gây sạm da, cháy nắng, ung thư da. Chỉ số SPF = 1 tương đương với khoảng 15' chống nắng với da trung bình, vậy cứ nhân lên với chỉ số của KCN sẽ ra được thời gian KCN có tác dụng. Chứ SPF không liên quan đến sự mạnh/yếu gì của kem đâu ạ! 
  • PA : biểu thị khả năng chống tia UVA (tia có bước sóng dài hơn, tác động vào tầng trung bì của da, gây lão hóa, nám, nếp nhăn da... Chỉ số PA thường đi kèm các dấu "+" phía sau. Mỗi dấu tương đương với mỗi 4 tiếng chống nắng. Loại chống UVA mạnh nhất hiện nay đã có tới 4 dấu +, còn thông thường khoảng 2-3 dấu. 
- Nếu không phải thường xuyên ở ngoài trời (expose to the sun) quá 20' thì chỉ cần dùng KCN có chỉ số tầm SPF 15-35 là đủ cho một ngày.
- Nếu thường xuyên ở ngoài trời, tham gia các hoạt động thể thao, bơi lội thì nên dùng các loại có chỉ số SPF > 35 (tầm 45,50) và có chống thấm nước là OK.

12. Khi nào thì bắt đầu dùng kem dưỡng mắt?
Trả lời : Trước đây độ tuổi được khuyên bắt đầu dùng kem dưỡng mắt (eye cream) là 25 - cũng là độ tuổi bắt đầu lão hóa, kết thúc thanh xuân và sang một trang mới. Nhưng hiện nay với tình trạng thường xuyên thức khuya, sinh hoạt thất thường, môi trường ô nhiễm, tiếp xúc với các thiết bị điện tử liên tục... thì mình nghĩ độ tuổi bắt đầu lão hóa sẽ đến sớm hơn rất nhiều. Vì vậy việc bắt đầu sử dụng kem dưỡng mắt mình không nghĩ là 25 mà phải là 18-20 đã nên bắt đầu. Vùng da mắt còn mỏng manh & nhạy cảm hơn vùng da mặt nhiều, chưa kể lại không có tuyến bã nhờn nên không được bài tiết ra dầu, khiến da thường bị khô và nhăn sớm, chính vì vậy mắt luôn là nơi "tố cáo" tuổi tác thực sự của phụ nữ, để lộ những dấu hiệu sắp hết thanh xuân mơn mởn! Khi mới dùng các bạn chỉ cần dùng những loại nhẹ nhàng, dưỡng ẩm thôi. Sau này (tùy độ tuổi & nhu cầu) mới cần dùng những loại chống lão hóa, nâng cơ, tái tạo tế bào... (những loại này thường có giá khá chát). Còn với những bạn trẻ sống rất lành mạnh, điều độ, ở tại những nơi ít ô nhiễm, trong lành thì cứ để đến 24,25 bắt đầu dùng cũng được ạ!


13. Khoảng cách giữa mỗi bước dưỡng da là bao lâu?
Trả lời : Ngay sau khi thấm khô nước rửa mặt thì dùng tới toner luôn (các bạn nên lau toner bằng bông nhé). Sau bước toner có thể đợi 5' rồi tới bước dưỡng ẩm và dưỡng mắt. Khi bôi dưỡng ẩm cho da mặt nên vừa bôi vừa massage và vỗ để được thẩm thấu tốt nhất, nhớ bôi cả cổ ạ! Cuối cùng là kem chống nắng (cho ban ngày), phải bôi KCN trước khi ra khỏi nhà 15-20' mới có tác dụng nhé! 

Hôm nay mình xin dừng lại ở 13 câu hỏi này, mình hy vọng câu trả lời của mình đã giải đáp được những thắc mắc của bạn mới bắt đầu chăm sóc da nhé! Các bạn cũng hãy luôn luôn nhớ giúp mình một điều đó là phải kiên trì, đều đặn thù mới có tác dụng nhé! Nếu còn thắc mắc gì khác các bạn có thể inbox qua Facebook page Mailovesbeauty cho mình nha, có thời gian đọc thì mình sẽ trả lời ngay ạ! Chúc các bạn gái của Mai luôn đánh thức được vẻ đẹp tiềm ấn của mình, luôn xinh tươi, luôn rạng ngời hạnh phúc!



Cám ơn các bạn vì đã theo dõi bài viết này nhé!



Xem thêm các thương hiệu mỹ phẩm locean, mỹ phẩm kosé, nước hoa tommy hilfiger, nước hoa calvin klein, nước hoa christian dior, nước hoa lancôme, mỹ phẩm scien sight, mỹ phẩm laneige, mỹ phẩm la roche-posay, mỹ phẩm ohui, mỹ phẩm sakura, mỹ phẩm vichy, mỹ phẩm shiseido, mỹ phẩm miss fairy, mỹ phẩm luna belle, mỹ phẩm vacci, mỹ phẩm angel madam đang khuyến mãi giá tốt đang giảm giá trên thị trường mỹ phẩm làm đẹp

Popular Posts